Chia tài sản thừa kế là việc phân chia di sản mà người chết để lại nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác trong hàng thừa kế, ngoài hàng thừa kế hoặc các cơ quan, tổ chức khác. Việc phân chia này có thể đã được định đoạt trong di chúc hoặc thừa kế pháp luật. Dưới đây là bài viết của Luật sư tư vấn luật thừa kế về cách chia tài sản thừa kế nếu có người không đồng ý.
1. Chia tài sản thừa kế, ai được hưởng?
Thứ nhất, đối với thừa kế theo di chúc, người được chia tài sản thừa kế là người được chỉ định, được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản theo sự định đoạt của người chết được ghi lại trong di chúc.
Người thừa kế theo di chúc có thể là người trong hàng thừa kế theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, ngoài hàng thừa kế hoặc cơ quan, tổ chức kể cả Nhà nước. Tuy nhiên, cần lưu ý những người không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 644 Bộ luật dân sự 2015.
Thứ hai, đối với thừa kế theo pháp luật, trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được chia tài sản thừa kế theo pháp luật. Do đó, cần xét đến thứ tự những người thuộc hàng thừa kế, bao gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, nếu thừa kế theo pháp luật thì những người trong cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc đã từ chối nhận di sản.
Xem thêm: Quy định của pháp luật về thừa kế thế vị
2. Giải quyết chia tài sản thừa kế khi có người không đồng ý
- Chia tài sản thừa kế theo di chúc:
+ Nếu người không có tên trong di chúc không đồng ý về việc phân chia tài sản: di chúc vẫn có hiệu lực bình thường. Vì vốn dĩ, di chúc phụ thuộc vào nguyện vọng, mong muốn của người chết nên nếu không thuộc trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc thì không ai có quyền can thiệp vào nội dung của di chúc;
+ Nếu người được chia tài sản thừa kế có tên trong di chúc không đồng ý nhận di sản: phải thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế trước thời điểm phân chia di sản và việc từ chối này không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản bắt buộc phải được lập thành văn bản, gửi cho các đồng thừa kế và người phân chia di sản.
- Chia tài sản thừa kế theo pháp luật:
+ Khi chia tài sản thừa kế theo pháp luật, những người được hưởng thừa kế có thể chủ động thoả thuận với nhau về việc cùng đứng tên đồng sở hữu trên sổ đỏ; hoặc thoả thuận về việc nhận tiền cho phần di sản được hưởng.
+ Khi có người không đồng ý hưởng phần di sản mà mình được để lại thì họ có thể làm thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế. Phần thừa kế đó sẽ được chia đều cho những người thừa kế còn lại.
+ Một trong những hàng thừa kế không đồng ý phân chia di sản thừa kế theo thoả thuận thì có thể khởi kiện yêu cầu Toà án có thẩm quyền quyết định phân chia hợp lý nhất.
Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế
3. Thủ tục khởi kiện chia tài sản thừa kế khi có người không đồng ý
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh/các loại giấy tờ khác có thể chứng minh quan hệ thừa kế và năng lực chủ thể có quyền khởi kiện;
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản;
- Giấy chứng tử của người để lại di sản;
- Bản kê khai các di sản;
- Các tài liệu, chứng cứ liên quan khác (nếu có).
Những tranh chấp về việc chia tài sản thừa kế sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc. Tuy nhiên, nếu đương sự hoặc tài sản tranh chấp ở nước ngoài thì việc giải quyết tranh chấp sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh đảm nhiệm.
Đối với các tranh chấp về bất động sản khi chia tài sản thừa kế thì giữa các bên tranh chấp không nhất thiết phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện và việc khởi kiện phải được thực hiện tại Tòa án nơi có bất động sản đang tranh chấp.
Trên đây là nội dung tư vấn về cách chia thừa kế khi có người không đồng ý của Luật sư tư vấn Dân sự. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc vấn đề tranh chấp nào khác, quý khách hàng có thể liên hệ đến chúng tôi theo cách thức sau:
Liên hệ qua Hotline:
096 267 4244 – Ls. Trần Trọng Hiếu là người trực tiếp tư vấn.
093 559 6650 – Ls. Trần Trọng Hiếu là người trực tiếp tư vấn.
Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ:
Số 15 đường số 21, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh;
Liên hệ qua Zalo - Facebook:
Zalo: 096 267 4244 - Facebook: Viva Law Firm;
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!