10.797222346,106.677222250

Giải quyết tranh chấp đất đai không sổ đỏ

15/08/2021 - 01:08:42 PM | 6230

Đất đai là tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia và là tài sản đặc biệt vô cùng giá trị đối với cá nhân, tổ chức, hộ gia đình. Xuất phát từ tính giá trị đó nên thường xảy ra những tranh chấp liên quan đến đất đai. Trong đó việc tranh chấp đất đai không có sổ đỏ là một trong những trường hợp tranh chấp phổ biến và đầy phức tạp ở Việt Nam hiện nay.

Câu hỏi của khách hàng: Tôi và ông T đang xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đất nhà tôi hiện nay không có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vì tôi chỉ có giấy tờ mua bán đất bằng giấy tay trước đây của tôi với bà N (chủ sở hữu của mảnh đất trước đó) đã được Ủy ban nhân dân xã xác nhận vào năm 1992. Liệu rằng có thể chứng minh quyền của dụng đất của tôi không? Mong quý công ty có thể tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn.

1. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ

Theo quy định tại Luật đất đai 2013, sổ đỏ hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Trong trường hợp tranh chấp đất đai không có sổ đỏ hoặc chưa được cấp sổ đỏ nhưng hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ trên cơ sở quy định Điều 100 Luật đất đai 2013 thì có thể chứng minh được quyền sở hữu của mình:

+ Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

+ Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

+ Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

+ Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

+ Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

Xét thấy, mặc dù Ông không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có Giấy tờ về việc nhận chuyển nhượng đất của bà N được Ủy ban nhân dân xã xác nhận năm 1992, phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 nên vẫn chứng minh được quyền sở hữu của Ông và được sử dụng làm căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ.

2. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ và mất Giấy tờ chuyển nhượng:

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ và đồng thời không có các loại giấy tờ như trên, theo Điều 91 Nghị định 43/2014 của Chính phủ bao gồm: 

- Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;

+ Theo Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì các bên tranh chấp có nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

+ Chứng cứ là những gì có thật và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án tranh chấp đất đai. Ví dụ: 

Biên lai thu thuế đất;

Giấy tờ thuê mướn nhân công đào đất;

Giấy tờ chứng minh khai thác và hưởng lợi từ đất;

Người làm chứng (nếu có);

Một vài giấy tờ khác (nếu có);

- Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;

- Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;

- Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

3. Các phương thức giải quyết tranh chấp nhà đất không có sổ đỏ

Khi các bên xảy ra tranh chấp đất đai không có sổ đỏ, căn cứ vào Điều 202 và 203 Luật đất đai 2013, có thể giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức sau:

Thứ nhất, hòa giải tranh chấp đất đai: 

Theo Điều 202 Luật đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Trong trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Thứ hai, nếu tranh chấp đất đai không có sổ đỏ đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

Trường hợp 1: Ông không có sổ đỏ mà có giấy chuyển nhượng đất với bà N được Ủy ban nhân dân xã xác nhận năm 1992 thì theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp do Tòa án nhân dân giải quyết;

Trường hợp 2: Ông không có sổ đỏ và làm mất (không có) giấy chuyển nhượng với bà N có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã năm 1992 thì theo khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 chỉ được chọn 1 trong hai hình thức:

+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Trong tình huống này, tranh chấp xảy ra giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. 

Như vậy, trên đây chúng tôi đã hướng dẫn một số lưu ý cơ bản mà Ông cần nắm khi gặp vấn đề liên quan đến việc Tranh chấp đất đai không có sổ đỏ. Tuy nhiên đây chỉ là các hướng dẫn cơ bản theo quy định pháp luật, trong từng trường hợp cụ thể thì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau. Để biết thêm chi tiết Ông vui lòng tham khảo các bài viết khác của chúng tôi hoặc liên hệ trực tiếp để được tư vấn. Trân trọng!

Để nhận được sự hỗ trợ KỊP THỜI – TẬN TÂM – TRÁCH NHIỆM từ Luật sư tư vấn đất đai và các chuyên gia pháp lý tại Công ty Luật TNHH VIVA của chúng tôi. Quý Khách hàng hãy liên hệ với chúng tôi qua các cách thức sau:

Liên hệ qua Hotline:

096 267 4244 - Ls Trần Trọng Hiếu là người trực tiếp tư vấn;

093 559 6650 - Ls Trần Trọng Hiếu là người trực tiếp tư vấn;

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ:

Số 15 đường 21, phường Bình An, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh;

Số 60A đường 22, phường Phước Long B, Quận 9, Tp.Hồ Chí Minh;

Liên hệ qua Zalo - Facebook:

Zalo: 096 267 4244 – Facebook: Viva Law Firm;

Liên hệ qua Email:

Saigonlaw68@gmail.com;

Luatsutronghieu@gmail.com.

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý Khách hàng!

>> Xem thêm:

- Văn phòng luật sư Nhà Bè TPHCM

- Văn phòng luật sư Dĩ An Bình Dương

- Văn phòng luật sư Long An

Bài viết mới nhất

Cùng Viva Law Firm giải quyết tranh chấp đất đai sử dụng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) theo đúng quy đinh của pháp luật.

Tranh chấp đất đai không có sổ đỏ

Zalo
Gọi điện SMS Chỉ đường
Hotline tư vấn miễn phí: 096 267 4244