Tranh chấp hôn nhân gia đình giải quyết tại Tòa án

Tư Vấn Luật Hình Sự - Luật Sư Tố Tụng Viva Law Firm | Luật Sư Đất Đai
Tranh chấp hôn nhân gia đình giải quyết tại Tòa án
02/11/2024 22:34 85 Lần

    Các tranh chấp hôn nhân gia đình ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Khi đối mặt với những mâu thuẫn không thể hòa giải, việc tìm đến pháp luật là điều cần thiết. Trong đó, Tòa án là cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, bao gồm các tranh chấp về hôn nhân gia đình. Bài viết này của Luật sư tư vấn hôn nhân gia đình sẽ cung cấp cho bạn những thông tin pháp lý cơ bản về vấn đề trên.

    1. Tòa án giải quyết những tranh chấp hôn nhân gia đình nào?

    Theo quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015 thì những tranh chấp hôn nhân gia đình sau thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

    “1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.

    2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

    3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

    4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.

    5. Tranh chấp về cấp dưỡng.

    6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

    7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.

    8. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”

    Có thể thấy, đối với các tranh chấp hôn nhân gia đình thuộc một trong các trường hợp như đã liệt kê ở trên sẽ được giải quyết tại Tòa án. Lúc này, khi có tranh chấp xảy ra thì có thể tiến hành khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết.

    2. Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các tranh chấp hôn nhân gia đình

    Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể của tranh chấp sẽ xác định được tranh chấp hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp nào, hoặc dựa vào một số tiêu chí để phân chia và lựa chọn Tòa án theo lãnh thổ để giải quyết. Cụ thể, thẩm quyền của các cấp Tòa án như sau:

    (i) Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

    Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015 quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.

    (ii) Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

    Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp tại khoản 2 Điều 37 BLTTDS 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Trong trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện về tranh chấp hôn nhân gia đình.

    (iii) Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 39 Tòa án theo lãnh thổ được xác định có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình, cụ thể như sau:

    + Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc;

    + Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn nếu các bên thỏa thuận với nhau và lập thành văn bản yêu cầu.

    Trên thực tế, việc xác định tranh chấp hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, hay cấp tỉnh sẽ tùy thuộc vào nội dung của tranh chấp để xác định đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Điều này đảm bảo cho các tranh chấp hôn nhân gia đình được giải quyết nhanh đóng và đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

    3. Các tranh chấp hôn nhân gia đình mà nguyên đơn, người yêu cầu được lựa chọn Tòa án giải quyết

    Theo quy định tại Điều 40 BLTTDS 2015 thì nguyên đơn, người yêu cầu được lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình trong những trường hợp sau:

    + Nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

    + Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

    Vì vậy, trong trường hợp không xác định được nơi cư trú, làm việc của Bị đơn thì tùy vào tình hình thực tế mà Nguyên đơn có thể lựa chọn Tòa án để tiến hành khởi kiện cho phù hợp.

    Trên đây là bài viết “Tranh chấp hôn nhân gia đình giải quyết tại Tòa án” của Luật sư tư vấn hôn nhân gia đình. Nếu quý khách có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Luật TNHH VIVA chúng tôi để được nhận sự hỗ trợ KỊP THỜI - TẬN TÂM - TRÁCH NHIỆM. Cách thức liên hệ:

    Liên hệ qua Hotline: 

    093 559 6650 - Ls Trần Trọng Hiếu là người trực tiếp tư vấn; 

    096 267 4244 - Ls Trần Trọng Hiếu là người trực tiếp tư vấn.

    Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ: 

    Số 15 đường số 21, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

    Liên hệ qua Zalo - Facebook: 

    Zalo: 096 267 4244 - Facebook: Viva Law Firm;

    Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý Khách Hàng!

    Zalo
    Hotline